317 quan chức và vận động viên thuộc 22 quốc gia đã vượt qua
không ít thách thức để về tham dự giải vô địch Vovinam thế giới lần 2
diễn ra tại Nhà thi đấu Phú Thọ, TPHCM từ ngày 28 đến 30-7-2011.
Đoàn chủ nhà Việt Nam bảo vệ ngôi vô địch toàn đoàn với 20 huy chương vàng, 3 huy chương bạc, 2 huy chương đồng
Theo nhận định chung của các đoàn, công tác tổ chức giải năm nay đang
từng bước chuyên nghiệp hóa. Đây là nỗ lực rất lớn của Liên đoàn
Vovinam thế giới, Ban tổ chức và các ngành chức năng từ trung ương đến
địa phương. Tại hội nghị thường niên, Ban chấp hành Liên đoàn Vovinam
thế giới cũng đã thống nhất phương hướng hoạt động đến năm 2013 và kết
nạp thêm thành viên mới như: Algerie, Indonesia… Nội dung thi đấu có
đổi mới và chất lượng thi đấu đã được nâng cao so với giải lần đầu tiên
năm 2009. Sự góp mặt của 22 đoàn (trong đó có nhiều đoàn tự lực kinh
phí, thậm chí như Marốc đã phải vay ngân hàng) đã thể hiện truyền thống
tự giác, vượt mọi trở ngại để trở về với mái gia đình Vovinam. Trước khi
vào giải, đại diện các đoàn cũng đến Tổ đường chiêm bái. Để phục vụ
khán giả tiết mục đồng diễn đẹp mắt trong đêm khai mạc, 250 môn sinh
thiếu niên quận Bình Tân (TPHCM) phải trải qua hơn 20 buổi chuyên cần
tập luyện. Kết thúc giải, với sự hỗ trợ của Công viên văn hóa Đầm Sen,
nhiều đoàn nước ngoài đã được tham quan, thư giãn tại đây trước lúc tạm
biệt…
Cuộc họp của BCH Liên đoàn Vovinam Thế giới - WVFF
Điều đáng vui mừng là nội dung thi quyền ở giải lần này được các nước
quan tâm hơn với sự góp mặt của Iran, Nga... Mặt khác, một vài VĐV nước
ngoài cũng đã xuất sắc vượt qua Việt Nam để giành HCV thi quyền như: Tự
vệ nữ, Tứ tượng côn pháp (Pháp), Thập thế bát thức quyền (Italia). Một
điểm đáng chú ý khác, nếu như ở những giải quốc tế và thế giới tổ chức
trước đây, các nước có phong trào lâu năm ở châu Âu thường giành thứ
hạng cao ở nội dung thi quyền thì năm nay đã có sự tranh chấp ngang ngửa
từ những nước ở khu vực châu Á như Lào, Campuchia, Indonesia. Điều này
đã chứng tỏ Vovinam phù hợp với thể tạng của người dân châu Á và cũng
không gây khó khăn trong việc luyện tập của các dân tộc phương Tây. Ở
nội dung thi đấu đối kháng, các VĐV đã thể hiện được một số kỹ thuật đặc
thù trong thi đấu và hạn chế rất nhiều tính sát phạt. Và với sự cố gắng
tập luyện kỹ thuật Vovinam của các VĐV, hầu hết các nước tham dự giải
đều giành được huy chương.Đặc biệt, qua nhiều ý kiến của các đoàn, hầu như tất cả đều cùng chung một ý tưởng là đã tìm thấy một không khí ấm áp và thân thiết giữa các thành viên của gia đình Vovinam. Từng sinh sống tại Sài Gòn và định cư tại Pháp từ thập niên 1970, võ sư Sudorrusland Jean Michel - Giám đốc Kỹ thuật Vovinam Pháp - đã bày tỏ: “Tôi thấy trình độ kỹ thuật Vovinam của các đoàn có sự tiến bộ rõ rệt. Riêng đoàn chúng tôi, việc thắng bại không đặt lên hàng đầu mà quan trọng là được hưởng không khí gốc tổ đồng thời học hỏi thêm về kỹ thuật và công tác tổ chức”.
Võ sĩ xinh đẹp của Italia
Hoặc lần đầu tiên đưa học trò đến Việt Nam dự giải, võ sư Djouadj
Mohamed - Giám đốc Kỹ thuật Vovinam Algerie - cũng thổ lộ: “Công tác tổ
chức giải chuyên nghiệp và chúng tôi đã học hỏi được nhiều điều. Tôi và
các VĐV Algerie rất cảm động và hạnh phúc khi được về nguồn và chiêm bái
tổ. Tôi cũng rất vui mừng vì Vovinam không giới hạn bởi màu da, chủng
tộc, tôn giáo. Tuy chúng tôi theo đạo Hồi nhưng không thấy có một sự
cách biệt nào trong gia đình Vovinam. Anh em đối xử với nhau bằng những
tình cảm mà chúng tôi đã cảm nhận được khi tập luyện kỹ thuật Vovinam.
Tất cả các đoàn đều tự hào vì cùng khoác chung một màu áo xanh. Vừa qua,
Algerie cũng xin đăng cai tổ chức giải vô địch Vovinam thế giới lần thứ
3 vào năm 2013 nhằm có thêm cơ hội để phát triển môn võ này ở châu Phi
rộng rãi hơn”. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đó, giải năm nay
cũng còn một số điểm mà Liên đoàn Vovinam thế giới cần quan tâm.
Niềm vui chiến thắng
Về chuyên môn kỹ thuật, tuy đã có sự tiến bộ vượt bậc nhưng nhìn
chung giữa Việt Nam và các nước vẫn còn một khoảng cách trong thi quyền.
Do nhu cầu phát triển, một số nước khu vực châu Á chỉ tập trung cho
những bài thi mà chưa chú trọng đến những kỹ thuật căn bản Vovinam. Điều
này sẽ ảnh hưởng đến công tác phát triển phong trào theo chiều sâu. Và
như vậy sẽ thiếu sót trong việc đào tạo những hạt nhân nòng cốt cho
tương lai. Trên tinh thần tích cực vận động để đưa Vovinam vào chương
trình thi đấu ở Đại hội thể thao cấp châu lực như Asian Games, Luật thi
đấu đối kháng cũng cần được tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh theo tinh
thần Olympic và đảm bảo an toàn cho các vận động viên. Công tác trọng
tài, tuy đã được tập huấn khá chu đáo nhưng vẫn không tránh khỏi một vài
trận đấu mà người xem vẫn còn cho là có chút địa phương tính.
VĐV Indonesia quàng khăn cho VĐV Việt Nam trong phút chia tay
Có thể khẳng định, giải năm nay đã tiến bộ và thành công tốt đẹp, đạt
mục tiêu đề ra ban đầu của Liên đoàn Vovinam thế giới là củng cố tình
đoàn kết, quảng bá, và thu hút thêm người tập. Một vài thiếu sót không
thể tránh khỏi nhưng không đáng kể. Vấn đề còn lại là Ban Kỹ thuật của
Liên đoàn Vovinam thế giới cần quan tâm nhiều hơn đến việc nâng cao
trình độ chuyên môn kỹ thuật của những nước mới phát triển. Nhiều đoàn
còn mong muốn trước khi bước vào những giải đấu cấp châu lục và thế
giới, bên cạnh lớp tập huấn trọng tài cần có một lớp tập huấn kỹ thuật
để sửa chữa những khiếm khuyết và giúp các nước ngày càng tiến bộ hơn cả
về hình thức lẫn nội dung kỹ thuật.
Bài: Huy Tường
Ảnh: Hoàng Thịnh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét